Trong khi người ta hết lời khen ngợi các mẫu máy cao cấp mới là tuyệt đỉnh, là tốt nhất, thì ở một phân khúc giá chỉ bằng 1 phần 3, Galaxy J7 Pro lại chứng minh được rằng mình cũng hay ho chẳng kém gì những người đàn anh đắt giá.
Tất nhiên, “tiền nào của nấy”. Galaxy J7 Pro vẫn chỉ dừng lại ở mức một chiếc smartphone tầm trung, nhưng với cá nhân tôi thì máy thực sự làm tốt ở hầu hết các khía cạnh, từ thiết kế, màn hình, camera cho tới hiệu năng.
Samsung có lẽ là một trong những nhà sản xuất duy nhất còn đang cố gắng tìm kiếm sự mới mẻ trong thiết kế sản phẩm. Những mẫu máy cao cấp mới thì đã nhận nhiều lời khen, còn dòng tầm trung, giá rẻ thì cũng đẹp hơn hẳn trước đây
Cách đây vài tháng, khi mà Galaxy J7 Prime ra mắt, máy thực sự chưa để lại ấn tượng tốt về thiết kế trong mắt tôi. Với J7 Pro thì ngược lại. Phong cách thiết kế đậm chất Samsung vẫn còn đó, nhưng cách mà hãng thay đổi cụm camera và đường nhựa phân tách sóng trông lại rất có “cảm tình”.
Tôi cũng đã thấy nhiều người không đồng ý với điều này, cho rằng những thay đổi của J7 Pro là khá “vô duyên”, không ăn nhập. Rõ ràng, vẻ đẹp là một khía cạnh mang tính chủ quan, nhưng cá nhân tôi tin rằng lượng người thích sự mới mẻ trên J7 Pro vẫn lớn hơn so với phần còn lại.
Không chỉ có vậy, phiên bản màu xanh bạc cũng là thứ dễ khiến người ta “say đắm”. Khi xuất hiện trên Galaxy S7 hay A 2017 series, màu sắc này đã thu hút nhiều sự chú ý vì quá tươi mới, trẻ trung. Tuy nhiên, cá nhân tôi còn đánh giá cao hơn khi Samsung kết hợp nó với lớp vỏ nhôm đánh nhám. Màu vàng và màu đen lại dành cho những ai thích trường phái cổ điển nhiều hơn.
Galaxy J7 Prime trước đây đã được nâng cấp lên sử dụng tấm nền LCD PLS với chất lượng hình ảnh tốt hơn IPS về nhiều mặt, nhưng nếu đem so với tấm nền Super AMOLED của J7 Pro thì có lẽ vẫn phải chịu thua vài bậc.
Nếu bạn cho rằng rằng các tấm nền AMOLED giá rẻ hiện nay vẫn quá xấu và ám màu nhiều như vài năm trước thì bạn đã lầm rồi. Chất lượng tấm nền của Galaxy J7 Pro giờ đây đã tốt vượt bậc về mọi mặt, từ độ sáng, cân bằng trắng, độ chính xác màu cho tới độ nét.
Nhìn chung, Galaxy J7 Pro có màn hình đẹp ngang ngửa các mẫu máy dòng A series, và ngoại trừ việc nó bị giảm độ nét thực vì sử dụng ma trận điểm ảnh Diamond ra thì người dùng có thể hoàn toàn yên tâm vào trải nghiệm hình ảnh có được từ tấm nền này.
Không chỉ đẹp, tấm nền Super AMOLED còn cho phép Samsung tích hợp tính năng Always-On Display. Với tôi, đây là một tính năng rất hữu dụng trong nhiều trường hợp, nhất là khi đang trên giường ngủ mà muốn xem giờ nhanh. Tuy nhiên, nó có thể sẽ gây phân tâm khi chúng ta muốn tập trung làm việc mà máy nằm ngay bên cạnh.
Chỉ cần so sánh trên lý thuyết, chúng ta có thể thấy ngay một vài điểm còn chưa ổn về cấu hình của Galaxy J7 Pro so với các đối thủ cùng tầm giá. Máy được trang bị con chip Exynos 7870 8 nhân hiệu năng khá ổn, nhưng GPU Mali-T830 2 nhân đi kèm thì có phần hơi yếu sức.
Với những tựa game nặng như Asphalt 8, tốc độ khung hình mà J7 Pro thể hiện được là không thực sự mượt mà, đôi khi còn giật lag thấy rõ. Ngay cả những tựa game như Hay Day thì máy cũng tỏ ra khó khăn để duy trì tốc độ khung hình cao.
Bù lại, dung lượng RAM 3GB của máy có thể đáp ứng tốt các nhu cầu đa nhiệm. Trong quá trình dùng máy, tôi nhận thấy các ứng dụng rất ít khi bị xóa khỏi RAM, và thời gian để mở lại các ứng dụng này cũng khá nhanh, không mấy chậm trễ.
Khi chấm điểm bằng các phần mềm như AnTuTu hay GeekBench, Galaxy J7 Pro đều tỏ ra yếu thế so với các đối thủ trực diện hiện nay, điển hình là OPPO F3. Tuy nhiên, với cá nhân tôi thì các công cụ benchmark hiện tại cũng chỉ mang tính tham khảo và không hề thể hiện được hiệu năng thực sự của máy trong quá trình sử dụng.
Samsung rất tự hào khi đưa hệ thống ống kính khẩu độ f/1.7 lên cả dòng máy tầm trung giá rẻ như J7 Pro, và điều này thực sự mang lại lợi ích thấy rõ cho khả năng chụp hình của máy.
Ảnh chụp đủ sáng từ J7 Pro có màu sắc tự nhiên, tương phản vừa phải, cân bằng trắng tốt và độ chi tiết cao. Máy có dải tương phản động khá rộng, đủ để ghi lại các chi tiết trong vùng chênh sáng. Cách xử lý màu ổn định, không thiên về tông nào và các chi tiết cũng không bị xóa nhiễu quá đà mà gây bệt.
Điểm trừ nho nhỏ của máy là khả năng chụp HDR chưa ổn định lắm. Đôi khi nó cho ra ảnh rất đẹp, nhưng đôi khi lại không theo ý muốn, nhưng nhìn chung vẫn hoàn toàn chấp nhận được. Đồng thời, máy cũng không hỗ trợ lấy nét theo pha nên khoảng thời gian chờ để chụp được một bức ảnh cũng bị kéo dài ra khá nhiều.
Khả năng chụp đêm là điều tôi thấy rất ấn tượng. Không chỉ nhờ khẩu độ lớn mà các thuật toán khử nhiễu của máy cũng đã rất tốt. Hình ảnh thường giữ lại được nhiều chi tiết mà nhiễu thì gần như không có. Sự khác biệt này còn rõ ràng hơn nữa khi đem so với các mẫu máy khác.
Camera selfie của J7 Pro cũng có độ phân giải 13MP và đèn flash LED đơn. Chất lượng ảnh chụp từ máy dù vậy nhưng cũng chỉ dừng ở mức trên trung bình chứ không xuất sắc.
Màu da chụp bởi camera selfie của J7 Pro thể hiện khá chân thực, chỉ trắng và sáng hơn thực tế một chút. Điều này dù sao cũng phù hợp hơn với thị hiếu người dùng, và chắc chắn là “ăn đứt” kiểu màu ám vàng như các đời máy Galaxy trước đây. Chế độ làm đẹp của Galaxy J7 Pro có vài tính năng khá cơ bản. Bạn có thể tùy chọn mức độ mịn của da, làm thon mặt và to mắt rất hiệu quả, vừa đủ để biến “vịt bầu” thành “thiên nga” nhưng cũng không giả tạo một cách “quá lố”.
Một điểm cộng nữa của Galaxy J7 Pro là đèn flash LED trợ sáng. Khi bật flash, cả đèn này và màn hình đều sẽ sáng lên, khi kết hợp lại sẽ cho ra tông màu cân bằng, chân thực hơn. Cá nhân tôi có lẽ sẽ chẳng bao giờ dùng tới, nhưng với hội chị em mê “tự sướng” thì chắc hẳn là thích thú lắm.
Với dung lượng pin lên tới 3600mAh và cấu hình vừa phải, chắc hẳn ai cũng kì vọng J7 Pro hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu của người dùng.
Thực tế thì đúng là như vậy. Với nhu cầu ở mức trung bình, online Wifi cả ngày, check Facebook, xem video Youtube, chơi game, lướt web…mỗi thứ 1 - 2 giờ thì máy có thể trụ được từ sáng tới tối khuya mà vẫn còn khoảng 20 - 30% pin. Nếu dùng ít hơn, J7 Pro hoàn toàn có thể dùng được trong 2 ngày mới phải sạc lại.
Dù có viên pin dung lượng lớn nhưng thời gian sạc J7 Pro cũng không lâu cho lắm. Máy không hỗ trợ sạc nhanh và củ sạc đi kèm cũng có nguồn ra chỉ 5V/1.55A nên thời gian sạc mất khoảng 2 tiếng mới đầy.
Đúng theo truyền thống Samsung, cảm biến vân tay của J7 Pro nằm trên phím Home cứng phía dưới màn hình. Để mở khóa máy, ta chỉ cần bấm vào phím này là máy sẽ nhanh chóng mở khóa. Trong quá trình sử dụng, tôi thấy tốc độ nhận diện và độ nhạy của cảm biến này đều rất tốt, nhưng nếu tay hơi ẩm hoặc dính bẩn thì sẽ khó mở khóa hơn. Điều này thực ra cũng hoàn toàn bình thường, nhất là với một thiết bị tầm trung giá rẻ.
Với một thiết bị có giá chỉ dưới 7 triệu, tôi thực sự không hề kì vọng gì nhiều, kể cả với cụm camera khẩu độ lớn của Galaxy J7 Pro. Tuy nhiên, có lẽ cũng chính vì vậy mà trải nghiệm của tôi với máy lại trở nên ấn tượng hơn hẳn trong tưởng tượng.
Nhìn chung, Galaxy J7 Pro giống như một sự tổng hòa cân bằng nhất của tất cả các yếu tố cần thiết trên một chiếc smartphone tầm trung, và chính điều này sẽ khiến máy dễ dàng trở nên nổi bật, hấp dẫn hơn so với các đối thủ cùng tầm giá.
Phạm Hoàng
Tom
Đăng nhận xét