Được giới thiệu tại MWC 2017 hồi đầu năm nay, Xperia XZ Premium được Sony đặt nhiều kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá mới với khả năng quay phim siêu chậm 960fps. Về Việt Nam, máy cũng mang theo nhiều kỳ vọng hơn so với các sản phẩm tiền nhiệm.
Sony Xperia XZ Premium bản màu bạc chrome và màu đen
Sony XZ Premium là một trong số những flagship được tung ra thị trường trong nửa đầu năm nay, bên cạnh một loạt flaship đình đám đến từ các hãng khác như Samsung Galaxy S8, HTC U11, LG G6. Nên người dùng có quyền đặt nhiều kỳ vọng vào sản phẩm của Sony, nhất là khi sản phẩm được định giá với mức không hề rẻ: 18,5 triệu đồng.
Mẫu Xperia XZ Premium mà VnReview sử dụng trong bài do Sony Việt Nam cung cấp và là bản màu Chrome – một trong số 3 màu được bán tại Việt Nam. Nhìn chung, Xperia XZ Premium sở hữu cấu hình thuộc dạng "khủng" hiện nay với chip Snapdragon 835 mới nhất của Qualcomm, 4GB RAM, 64GB bộ nhớ trong và đặc biệt là khả năng quay siêu chậm (Super Slow Motion) ở mức 960 khung hình/giây của camera 19MP phía sau máy.
Camera
Điểm nhấn đầu tiên chúng tôi muốn đề cập đến trên Xperia XZ Premium là cụm camera chính 19MP của máy mà Sony ưu ái gọi là Motion-Eye. Theo lời Sony, cụm camera này có khẩu độ f/2.0 và tiêu cự 25mm, tích hợp hệ thống chống rung điện tử (EIS) và tiên đoán chuyển động với sự hỗ trợ của tính năng lấy nét theo pha (PDAF) và lấy nét laser.
Kích cỡ cảm biến của cụm camera này là 1/2.3", to hơn 19% so với thế hệ cảm biến cũ và về lý thuyết sẽ giúp chụp ảnh thiếu sáng tốt hơn (chụp ở mức ISO 2800/4000 trong điều kiện thiếu sáng). Ngoài ra, Sony còn trang bị cụm camera phụ 13MP khẩu độ f/2.0, tiêu cự 22mm ở phía trước để hỗ trợ selfie.
Đáng tiếc nhất là dù trang bị tính năng chụp thủ công cho phép tùy chỉnh khá nhiều thông số nhưng Sony chỉ cho phơi sáng tối đa... 1 giây trên Xperia XZ Premium, một con số khiêm tốn so với tiềm năng của nó. Bù lại, họ đưa thêm một số tính năng khá thú vị như thực tế tăng cường hay các bộ lọc sáng tạo để tăng cường trải nghiệm người dùng.
Chất lượng ảnh chụp thực tế cho thấy, camera chính 19MP của Xperia XZ cho chất lượng ảnh chụp vào ban ngày tốt, ảnh có độ chi tiết cao dù có xu hướng tối hơn so với các đối thủ một chút, có lẽ Sony muốn giữ chi tiết hơn là tăng độ sáng và giảm chi tiết như một số smartphone khác. Độ chính xác màu trong điều kiện đủ sáng ở mức tốt, có lẽ nhờ vào cảm biến màu sắc mà Sony trang bị cho cụm camera sau.
Tuy nhiên, trong điều kiện thiếu sáng (vào ban đêm), camera của XZ Premium bị ám vàng khá nặng trong một số tình huống và hình ảnh có xu hướng hơi bết, không còn giữ được chi tiết như ban ngày. Một điểm không ưng ý nữa là chế độ chụp HDR chỉ được tích hợp trong giao diện chụp ảnh thủ công và thực sự mà nói tính năng HDR của máy có hiệu quả không cao, khiến việc chụp ngược sáng không "ngon" như các đối thủ.
Ảnh chụp trong điều kiện ban ngày ở chế độ tự động Superior Auto (nhấp vào để xem ảnh gốc đã thu nhỏ 70%)
Ảnh crop 100% từ ảnh trên
Tính năng chụp ảnh tiên đoán (predictive capture) giúp máy lưu nhanh vài hình ảnh trước khi bạn nhấn phím chụp trong một số tình huống khá hữu dụng. Giữ nguyên truyền thống, Sony tiếp tục giữ phím chụp hình vật lý trên XZ Premium và đây là một trong số ít smartphone hiếm hoi trên thị trường bổ sung tùy chọn này. Về lý thuyết, phím chụp hình này hỗ trợ 2 nấc (nhấn lấy nét và nhấn nấc nữa để chụp) rất hữu dụng, nhưng điều này vẫn còn tùy thuộc vào thói quen người dùng.
Camera chính của Xperia XZ Premium có trang bị cảm biến cân chỉnh màu sắc và khả năng quay 4K bên cạnh tính năng quay siêu chậm, đáng tiếc là Sony không tích hợp tính năng chống rung quang học (OIS) cho nó mà thay vào đó họ trang bị tính năng chống rung điện tử 5 trục EIS (dựa trên cảm biến chuyển động và thuật toán). Bù lại, nhờ vậy nên camera không bị lồi lên như phần lớn flagship hiện nay. May mắn thay, chất lượng chống rung điện tử của cụm camera này khá tốt, có lẽ được thừa hưởng từ mảng camera hành trình (Action Camera) của Sony. 
Khả năng chống rung điện tử của camera XZ Premium
Trong khi đó, khả năng quay 4K của Xperia XZ Premium cũng rất tốt dù việc bố trí menu truy cập tính năng này không thực sự tiện lợi. Mẹo nhỏ: Khi quay video trong điều kiện thiếu sáng (nhất là ban đêm) bạn nên kích hoạt tính năng quay 4K, chất lượng tốt hơn nhiều.
Giao diện quay phim siêu chậm (Super Slow Motion), mỗi khi cần quay chậm bạn sẽ nhấn vào nút màu đỏ trên màn hình như ảnh minh họa trên, máy sẽ tự quay chậm 960fps một đoạn ngắn
Sony cho biết, đây là smartphone đầu tiên tích hợp bộ nhớ đệm riêng dành cho camera để hỗ trợ lưu hình ảnh/video nhanh hơn, nhất là phục vụ khả năng quay video siêu chậm 960fps ở độ phân giải HD 720p. Để thực hiện tính năng quay siêu chậm, Sony đã phải chấp nhận crop lại khung hình (dùng tiêu cự ngắn hơn) và khép khẩu (thu sáng kém hơn), nên tính năng này người dùng chỉ nên sử dụng trong điều kiện ánh sáng tốt ở ngoài trời vào ban ngày. Ngoài ra, cũng do giới hạn vật lý của cảm biến nên chỉ cho phép quay chậm trong thời gian 0.18 giây rồi phát lại ở tốc độ bình thường với thời lượng "kéo ra" thành 6 giây.
Video quay Super Slow Motion ở tốc độ 960fps từ camera của Xperia XZ Premium
Xem thêm một số ảnh chụp từ camera chính trên Xperia XZ Premium trong các điều kiện khác nhau (nhấp vào ảnh để xem ảnh gốc thu nhỏ theo tỷ lệ 70%):
Ảnh chụp ngoài trời ở chế độ tự động Superior Auto
Ảnh chụp ngược sáng ở chế độ thủ công (tắt HDR)
Ảnh chụp ngược sáng ở chế độ thủ công (bật HDR)
Ảnh chụp trong phòng vào ban ngày với ánh sáng bán tự nhiên ở chế độ tự động Superior Auto
Thiết kế
Sony cho biết họ đã cố gắng tối ưu thiết kế dựa trên phong cách Omni Balance quen thuộc, do vậy sẽ không ngạc nhiên khi máy vẫn giữ nguyên "chất Sony" với sự vuông vắn và chắc chắn. Tuy nhiên, đây cũng là điểm trừ với những người ưa thiết kế thanh thoát và nhất là các chị em, những người cần một thiết kế mềm mại hơn. Bù lại, chất liệu sang trọng giúp sản phẩm tạo ra điểm nhấn riêng so với các đối thủ trên thị trường. 
Các chi tiết ở phía trước của máy được thiết kế vuông vắn và đối xứng, viền màn hình ở hai đầu máy khá dày
Đáng khen là Sony vẫn giữ lại phím chụp hình cứng bố trí ở cạnh phải của máy, cùng với phím nguồn (kiêm cảm biến vân tay một chạm) và phím tăng giảm âm lượng.
Phía trái máy là khe SIM kiêm thẻ nhớ, Sony khá tài tình khi thiết kế khe cắm này cho phép tháo lắp mà không cần tới que chọc SIM như nhiều smartphone trên thị trường hiện nay sử dụng trong thiết kế nguyên khối. Lưu ý là khi tháo khe SIM ra máy sẽ restart lại để tối ưu việc nhận diện SIM.
Đáng tiếc là Sony tiếp tục sử dụng dãy phím điều hướng ảo đặt trong màn hình trong khi viền dưới vẫn rất dày. Dù có bo cong hai mép máy nhưng sự vuông vắn ở các góc vẫn khiến một số người dùng không thoải mái khi cầm nắm do bị cấn tay, nhất là với smartphone có màn lên tới 5.5 inch này.
Máy sử dụng cổng Type-C dưới đáy máy bên cạnh lỗ microphone, phía đầu trên máy Sony vẫn trung thành với jack cắm tai nghe 3.5mm tiêu chuẩn.
Phía sau lưng Sony chuyển sang sử dụng vật liệu kính cường lực và gia công để tạo độ bóng như gương (nhất là ở bản màu bạc Chrome này), mặt trái của điều này là khiến máy nóng hơn khi chơi game và nhất là dễ bám vân tay.
Màn hình và hiệu năng
Xperia XZ Premium sở hữu màn hình 4K HDR, cung cấp trải nghiệm hình ảnh xuất sắc
Màn hình là một trong những thế mạnh của Xperia XZ Premium. Sony cho biết họ đã trang bị cho smartphone này màn hình IPS 5.5 inch độ phân giải 4K với công nghệ HDR (mở rộng dải tương phản động) được hãng tối ưu từ dòng TV Bravia HDR của mình, màn hình này được bảo vệ bằng kính cường lực Corning Gorilla Glass 5.
Về lý thuyết, màn hình HDR của Xperia XZ Premium sẽ giúp trải nghiệm hình ảnh sống động hơn các màn hình điện thoại tiêu chuẩn hiện nay, nhất là ở những hình ảnh/khung cảnh tối hoặc có độ chênh sáng lớn trong các bộ phim/clip mà bạn xem trên thiết bị di động. Trải nghiệm thực tế cho thấy màu sắc của màn hình Xperia XZ Premium rực rỡ và đạt độ tương phản cao ngay cả trong điều kiện sử dụng ngoài trời. 
Riêng về độ chi tiết không có gì để chê, tiếc là bộ ảnh nền mặc định đi theo máy không thực sự sắc nét để tận dụng lợi thế của màn hình 4K. Ban đầu, người viết cảm thấy màn hình 4K trên smartphone quá thừa thãi (và không tối ưu pin), nhưng phía Sony giải thích rằng họ dùng màn 4K để đón đầu trào lưu trải nghiệm thực tế ảo (VR) trên thiết bị di động, điều này có vẻ hợp lý trong... tương lai.
Điểm mạnh của Sony là họ đã tùy biến khá sâu vào Android để đưa ra các thiết lập, tùy chỉnh riêng dành cho người dùng Xperia. Cho phép tùy chỉnh màu sắc và độ tương phản màn hình, thiết lập kích cỡ icon, tên icon,... 
Tương tự phần hình ảnh hiển thị, phần âm thanh của máy cũng xuất sắc khi Sony tiếp tục tận dụng lợi thế sản xuất các thiết bị âm thanh Walkman nổi tiếng để đưa những công nghệ này của hãng vào sản phẩm, chất âm của máy vẫn thiên về Bass, đáng tiếc là trong lần đánh giá này Sony không cung cấp tai nghe đi kèm nên chúng tôi không đánh giá chi tiết phần âm thanh, mà chỉ nghe thử với tai nghe Hi-Res riêng của chúng tôi có.
Ngoài nghe nhìn ra, phần mềm theo máy khá "ngon", không quá dư thừa và các icon được thiết kế chỉn chu, có dấu ấn "Sony" rất đặc trưng. Điều này được Sony tiếp tục duy trì từ các sản phẩm trước, khác với xu hướng tối giản tới mức gần như "mất chất" của một số hãng gần đây. Đáng tiếc là phần quay số (Dialer) vẫn rườm rà và bạn sẽ phải mất tới 2 thao tác (bấm vào và bấm vào bàn phím số) để chuyển qua giao diện sẵn sàng gọi điện. 
Xperia XZ Premium là một trong 2 mẫu smartphone chính hãng đầu tiên về Việt Nam sử dụng chip Qualcomm Snapdragon 835, sức mạnh của vi xử lý này ít nhiều được thể hiện qua các kết quả benchmark dưới đây của VnReview.  Cùng với vi xử lý mới nhất của Qualcomm, Sony trang bị cho máy 4GB RAM, 64GB bộ nhớ trong và chơi nhạc chuẩn High Resolution Audio (âm thanh chất lượng cao).
Kết quả benchmark AnTuTu về hiệu năng tổng thể
Kết quả benchmark GeekBench về hiệu năng CPU
Kết quả benchmark GFX Bench với phần render Manhattan khi bật và tắt màn hình ở độ phân giải Full HD nhằm đánh giá hiệu năng về đồ họa.
Sở hữu cấu hình như vậy nên không ngạc nhiên khi máy sử dụng không có độ trễ hay hiện tượng lag giật như các mẫu tầm trung và có thể nói hiệu năng của Xperia XZ Premium ngang ngửa với các smartphone đầu bảng hiện nay như Samsung Galaxy S8, HTC U11 hay iPhone 7 Plus, đủ sức "chiến" bất kỳ game di động hoặc các tác vụ nặng nào mà bạn cần.
Sony vẫn không thay đổi nhiều về phần mềm cũng như giao diện đi kèm XZ Premium, máy vẫn sử dụng thiết kế icon đặc trưng và giao diện riêng tương tự như các dòng Xperia gần đây
Dung lượng pin 3.230mAh theo máy có vẻ như hơi ít so với màn hình 4K của thiết bị, tuy nhiên với sự tối ưu của Sony và tính năng Smart Stamina(theo dõi thói quen của người dùng để tối ưu pin) giúp máy có thời lượng pin khá tốt so với các smartphone khác trên thị trường, một phần nhờ vào chip Snapdragon 835. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng khi bạn chơi game nặng hoặc chụp hình nhiều thì máy bị nóng lên khá nhanh, có lẽ là do chất liệu kính mà Sony sử dụng ở mặt lưng không tối ưu cho việc thoát nhiệt, đây cũng là điều đã xảy ra với nhiều smartphone có thiết kế tương tự.
Tạm kết
Nhìn chung, Xperia XZ Premium được Sony nhắm vào phân khúc cao cấp và tập trung nhiều vào trải nghiệm camera nên có những hạn chế cũng như ưu điểm nhất định so với các đối thủ. Máy được thiết kế nam tính và sắc cạnh nên phần lớn phù hợp với nam giới, nếu bạn là phụ nữ hoặc muốn một chiếc smartphone có thiết kế "hợp thời", viền mỏng, dễ cầm nắm và ít bám vân tay thì nên tìm đến các lựa chọn khác, trong đó có cả Sony Xperia XZs - một "bản sao" của XZ Premium với kích thước vừa tay hơn và mức giá tốt hơn mà vẫn có cụm camera 960fps.
Nhưng nếu bạn bỏ qua được một vài "sự bảo thủ cố hữu" của Sony thì đây là một sự lựa chọn đáng giá (nếu bạn đủ khả năng tài chính). Với Xperia XZ Premium bạn sẽ có một smartphone có trải nghiệm nghe nhìn xuất sắc với màn hình 4K HDR và âm thanh Hi-Res, khả năng chống bụi và chống nước, cấu hình tốt, tích hợp những tính năng chụp ảnh phù hợp với những người ưa thích sáng tạo như khả năng quay siêu chậm 960 fps hay tính năng chụp ảnh tiên đoán. 

BÌNH LUẬN - ĐẶT CÂU HỎI

Mới hơn Cũ hơn