Tiếp nối sự thành công về doanh số, Huawei đã đưa sản phẩm Nova 3e vào Việt Nam với mức giá nhỉnh hơn một chút, đi cùng với đó là nhiều nâng cấp đáng chú ý.
So với Nova 2i, smartphone tầm trung Huawei Nova 3e có nhiều điểm cải tiến tích cực ở thiết kế và tính năng. Đầu tiên và dễ thấy nhất là phần màn hình tràn viên với phần tai thỏ, đưa phần camera trước và loa ngoài vào một khu vực khiêm tốn. Tiếp đến là phần mặt lưng bằng kính bóng bẩy, phiên bản mà mình trải nghiệm có màu xanh (Klein Blue) rất bóng bẩy, dù cái giá phải trả cho mặt lưng kính là máy dễ bám vân tay khi sử dụng thường xuyên.
Thiết kế
Cầm trên tay, Huawei Nova 3e cho cảm giác máy rất vừa vặn, có thể sử dụng bằng một tay cho nhiều trường hợp khá thuận tiện. Máy có bốn góc được bo tròn tạo cảm giác dễ cầm nắm, phần khung máy làm bằng hợp kim, có 4 miếng nhựa màu đen với 2 miếng bố trí cạnh dưới, còn lại ở cạnh trái và phải phục vụ cho bắt sóng.
Mặt sau máy bố trí cụm camera kép đặt dọc (chắc bạn sẽ cho rằng giống iPhone X, mình cũng nghĩ vậy). Nhưng nét mới là logo Huawei cùng dòng chữ DUAL LENS cũng nằm theo chiều dọc này luôn. Về các phím bấm và bố trí cổng kết nối, Nova 3e bố trí phím tăng giảm âm lượng và phím nguồn ở cạnh phải, loa ngoài, jack 3.5mm cho âm thanh và cổng sạc/truyền dữ liệu ở cạnh dưới.
Nova 3e cũng đánh dấu là chiếc smartphone tầm trung đầu tiên được Huawei trang bị cổng sạc bằng chuẩn USB Type-C và có tính năng sạc nhanh (dòng 9V/2A). Viên pin của máy bị rút gọn xuống còn 3.000mAh nhưng tính năng sạc nhanh giúp máy hồi pin tốt hơn, sẵn sàng đáp ứng trong thời gian dài là thực sự đáng giá.
Trải nghiệm
Cảm giác đầu tiên là màn hình của Nova 3e rất dễ chịu và cách điều hướng không làm mình phải bận tâm quá nhiều. Ví dụ mình không thích xuất hiện 3 phím điều hướng ảo phía dưới máy, chỉ cần bấm vào mũi tên hướng xuống ở góc trái của chúng là xong. Và khi cần thì cũng chỉ vuốt nhẹ từ cạnh dưới lên. Chỉ cần như vậy thôi, không nhất thiết phải vào phần Settings bật/tắt như một số phiên bản máy màn hình tràn viền gần đây thực hiện.
Muốn tìm và mở ứng dụng nào đó? Huawei đã áp dụng cách mà iOS đã làm và dĩ nhiên là hiệu quả không kém cạnh, chỉ cần ở màn hình chính bạn vuốt xuống để mở hộp tìm kiếm và gõ vào từ đầu tiên của tên ứng dụng bạn muốn mở, hệ thống sẽ đưa icon của chúng ra chờ bạn bấm. Quá tiện, chẳng phải nhớ xem icon đó bạn đã bỏ chỗ nào trong một dãy các màn hình khác nhau.
Trải nghiệm cầm nắm thì với mình chiếc Nova 3e ở mức hợp lý, vì mình thích có một chiếc máy vừa đủ nhỏ gọn, nhưng đồng thời cũng không phải hy sinh diện tích sử dụng quá nhiều. Giải pháp màn hình 18:9 và tai thỏ trên máy trở nên phù hợp. Huawei vẫn cho phép bạn có thể thay đổi font chữ trong phần hiển thị, điều này là phù hợp nếu như bạn muốn tối ưu thêm không gian để hiển thị nhiều nội dung hơn nữa.
Điểm hơi đáng tiếc ở Nova 3e là máy dùng màn hình 5,84 inch với tấm nền TFT chứ không phải IPS. Dù rằng có vẻ Huawei đã chỉnh cho hình ảnh hơi rực, nhưng so với màn IPS thì độ sáng của máy thực sự không bằng, gây ra cảm giác khó khăn khi đọc nội dung dưới ánh sáng ngoài trời. Độ bão hòa màu cũng được đẩy lên hơi cao, vì thế sẽ có trường hợp bạn chụp ảnh thấy rất no màu, nhưng nhìn ảnh trên máy tính hay một thiết bị khác sẽ cảm giác nhợt nhạt hơn một chút.
Đánh giá Infinix Hot 3 LTE: Khá tốt so với tầm tiền
Về phần cấu hình, Huawei Nova 3e gần như xài lại combo CPU, RAM, ROM của Huawei Nova 2i nên có thể nói là máy không cho cảm giác khác biệt lắm về hiệu năng so với người tiền nhiệm. Vẫn là chip Kirin 659 8 nhân, RAM 4GB và 64GB ROM, tuy là tương đồng với sản phẩm trước nhưng với tầm giá 7 triệu đồng thì đây là một cấu hình khá, dù chơi game nặng như Asphalt 8 thì chỉ làm bạn thêm phiền lòng.
Hiệu năng thực tế mang lại từ Nova 3e không khác biệt nhiều so với Nova 2i dù Huawei đã tối ưu tốt hơn, khó để nhận biết đươc sự chênh lệch, cá nhân mình cho đâu đó khoảng 10% về hiệu năng. Với một số tựa game như Asphalt 8 bạn sẽ có thấy hiện tượng lag nhẹ trong lúc chơi, hay Shadow Fight thì tối đa bạn chỉ có mức đồ hoạ Medium. Về khả năng xử lý thì Kirin 659 hoạt động rất tốt, nhưng đòi hỏi về đồ hoạ thì con chip này không thật sự tốt.
Đối với phần hiệu năng, vì đã sử dụng qua chiếc Nova 2i nên mình cảm nhận việc viên pin chỉ còn 3.000mAh khiến thời gian trụ pin của Nova 3e không bằng, chỉ còn tầm 90% so với người tiền nhiệm. Trung bình mình ngắt sạc từ sáng, sử dụng máy để duyệt web, xem video trên mạng, lướt facebook, trả lời email và chụp ảnh… tầm 3 giờ chiều là Nova 3e báo pin yếu. Nhưng khả năng sạc pin nhanh của máy thực sự là đáng giá, nó giúp mình bớt phải lo về pin sẽ sớm cạn khi mình có một chút thời giờ cắm sạc để hồi lại dung lượng.
Về camera, Huawei Nova 3e vẫn dùng camera kép phía sau có độ phân giải 16MP + 2MP như trên Nova 2i. Còn camera trước của máy chỉ còn một camera 16 MP nhưng vẫn có khả năng chụp xoá phông.
Qua trải nghiệm, mình nhận thấy chất lượng ảnh vẫn không phải là vượt trội so với người tiền nhiệm. Dù vậy, với người dùng thích chụp đêm thì tính năng chụp đêm tự động của máy sẽ trở nên hữu ích. Huawei đã làm rất tốt phần mềm khi có thể tự động nhận diện khung cảnh và ước lượng để tính toán số giây cần phơi sáng và cho ra tấm ảnh ưng ý. Dưới đây là một số ảnh chụp từ Huawei Nova 3e, ảnh không chỉnh sửa, chỉ resize đồng loạt bằng ứng dụng Fotor.
Lời kết
Nếu tính về loạt smartphone ra mắt gần đây có hỗ trợ ‘tai thỏ’ (notch screen, phần mềm Huawei gọi là khía chữ V) thì Huawei Nova 3e là một đối thủ rất đáng để người dùng lựa chọn bởi mức giá tốt, màn hình sáng đẹp, hỗ trợ camera kép và khả năng sạc nhanh. Tuy vậy nếu bạn đang dùng Nova 2i rồi thì việc nâng cấp có lẽ cũng không cần thiết lắm, trừ khi bạn thích tai thỏ thật sự.
Đăng nhận xét